Ba năm làm đạo sĩ

Ko Samet là một đảo nhỏ vắng người ở miền nam Thái Lan. Hầu hết dân đảo là ngư dân. Họ sống cuộc đời đơn giản.

Lều của tôi và bạn nằm trên một sườn đồi không xa vịnh. Từ trong lều có thể thấy biển. Căn lều nhỏ, làm bằng gỗ. Trong lều chỉ có hai cái giường đơn. Bạn tôi ở một góc lều, tôi ở một góc lều. Bên ngoài lều là nhà vệ sinh và một góc nấu nướng nhỏ. Xung quanh lều có nhiều cây và lối mòn đi bộ. Chúng tôi sống cách xa dân đảo nhưng cả tôi và bạn tôi đều sống đơn giản nên cũng không cần gì nhiều. Hai chúng tôi ăn chay. Thức ăn hàng ngày thường là cơm, rau, đậu phụ. 

Lúc đó, bên ngoài tôi là một đạo sĩ nhưng bên trong đã là tu sĩ xuất gia. Tôi tự tuân thủ các giới luật của một vị tăng và noi gương hạnh của ngài Đại Ca Diếp. Ngài là đệ nhất khổ hạnh trong các đệ tử của Đức Phật và là người nối pháp của Đức Phật. Ngài rất nghiêm khắc với bản thân. Ngài hành hạnh đầu đà suốt đời; chỉ dùng y làm từ vải liệm xác người. Ngài ra nghĩa địa nhặt vải liệm rồi tự khâu y cho mình. Ngày nào ngài cũng đi bát và chỉ ăn một bữa mỗi ngày. Ngày nào không đi bát thì ngày hôm đó ngài không ăn. Ngài chỉ sống trong rừng chứ không sống trong nhà hay trong làng. Khi tôi là một đạo sĩ và sau này khi đã xuất gia, tôi luôn lấy ngài Đại Ca Diếp và thiền sư Hư Vân ở Trung Quốc làm gương. Ngài Hư Vân cũng sống như một đạo sĩ nhiều năm trong rừng, chỉ ăn lá cây, uống nước suối. Ngài đã tam bộ nhất bái tới núi Ngũ Đài để hồi hướng công đức cho cha mẹ đã qua đời. Vì theo gương các ngài nên sau khi xuất gia, tôi không sống lâu ở chùa hay bất cứ nơi nào mà đi bộ hành cước khắp nơi. Phần lớn thời gian tôi sống trong rừng, trong hang, dưới thác nước hoặc nghĩa địa. 

Lúc đó, trên đảo Ko Samet, mỗi ngày tôi dậy lúc 4 giờ sáng, có khi 3 rưỡi. Tôi ngồi thiền khoảng 1 đến 2 tiếng, sau đó thiền đứng, rồi thiền đi. Khi ngồi, thường tôi ngồi kiết già, cũng có lúc bán già. Tôi thích thiền đi. Bạn tôi cũng hành thiền cùng tôi. Tôi đi bộ một bên lều, bạn tôi đi phía bên kia. Khoảng 9 giờ, chúng tôi ăn sáng. Đó là bữa duy nhất trong ngày. Sau khi ăn, tôi lại đi và ngồi thiền tiếp. Mỗi ngày, tôi có ba thời khóa như vậy. Đến tối, tôi có thể uống nước quả. Vì tôi chỉ ăn một bữa mỗi ngày nên thời gian đó tôi rất gầy. Ngoài thời thiền, tôi đọc sách. Thi thoảng một vài người bạn từ Bangkok ghé thăm, nhưng không nhiều.

Tôi cứ sống như vậy, rất vui. Bốn thứ nhu cầu cần thiết – ăn, mặc, ở, và thuốc bệnh – tôi có đủ. Bạn tôi lo chuyện thức ăn. Tôi tự cắt và khâu y đạo sĩ của mình – chỉ là một cái áo vải thô màu trắng dài trùm người. Sau này, mẹ tôi và chị tôi may thêm cho tôi một chiếc; tôi có hai chiếc để mặc đổi nhau. Thế là đủ. Lúc đó tôi rất khỏe, không bao giờ ốm nên không cần thuốc. Không còn có nhu cầu gì thêm. Cuộc sống rất an lạc. Tôi không có tiền nhưng không bao giờ lo về tiền. Thỉnh thoảng anh chị tôi hoặc bạn bè muốn gửi tiền cho tôi nhưng tôi nói với họ không cần. 

Lúc đó và trong suốt đời mình sau này, tôi chưa bao giờ lo về tiền. Nếu ai đưa tiền cho tôi, tôi đưa hết cho bạn tôi mua thức ăn. Sau này, khi tôi xuất gia, tôi cũng không chạm vào tiền mà để thị giả quản lý tất cả. Có thời điểm, mỗi ngày, hàng ngàn người tới cúng dường. Họ cúng rất nhiều; nhưng tôi không bao giờ chạm vào tiền. Khi họ cúng dường, tôi chỉ chú nguyện cho họ và để thị giả nhận. Thỉnh thoảng, tôi hỏi thị giả “Chúng ta có đủ tiền chi tiêu không con?”. Thị giả của tôi nói “Đủ ạ”. Thế thôi. Suốt đời, tôi chưa bao giờ lo về tiền. Đến khi sang Mỹ, tôi vẫn không chạm vào tiền cho đến tận lúc tôi vào sống một mình trong rừng. Văn hóa Mỹ khác với Thái. Người Mỹ không biết việc đặt bát và cúng dường cho nên tôi bắt đầu phải tự chi tiêu.

Trên đảo Ko Samet và cả sau này, sự thực hành của tôi rất đơn giản. Tôi chỉ theo dõi hơi thở bằng niệm pháp “Buddho.” “Buddho” có nghĩa là Phật. Khi hít vào, tôi niệm thầm “Bud”; khi thở ra, tôi niệm thầm “Dho”. Chỉ Buddho, buddho, buddho… như vậy, cùng với hơi thở. Tôi học Buddho từ Luang Pu Suk, người thầy đầu tiên của tôi và của bố mẹ tôi. Ông là một vị tăng trong làng. Chánh niệm hơi thở bằng Buddho là phương pháp thiền căn bản và đơn giản nhất. 

Đối với thiền, có nhiều cách khác nhau. Kể cả cùng dùng hơi thở làm đối tượng để định tâm, các vị thầy có thể dạy khác nhau. Nhưng dùng niệm pháp Buddho là đơn giản nhất. Không phức tạp. 

Trước hết, hãy ngồi ở tư thế thoải mái, lưng thẳng. Nếu có thể ngồi kiết già thì tốt; nếu không thì có thể ngồi bán già, hoặc trong tư thế nào thoải mái. Trước đây, tôi luôn ngồi kiết già; sau này thì không quan trọng. Mắt có thể nhắm hoặc mở đều được; tôi thì thường nhắm mắt. Sau khi thân đã ổn định tư thế, hãy hít vào, thở ra vài hơi thật sâu, thật dài hết mức có thể nhưng đừng gắng sức. Thầm niệm trong đầu “Buddho” đi kèm các hơi thở sâu này vài lần. Khi hít sâu vào, hãy thầm niệm “Bud” đi cùng chiều dài hơi thở. Khi thở hết ra, niệm thầm trong đầu “Dho” đi cùng chiều dài hơi thở. Có thể đặt “Buddho” ở đầu lỗ mũi, chỗ hơi thở đi ra đi vào. Khi hít vào, thì cảm nhận hơi thở đi vào qua lỗ mũi, cùng với niệm “Bud.” Khi thở ra thì cảm nhận hơi thở đi ra, cùng với niệm “Dho”. Các hơi thở dài đi cùng niệm “Buddho” sẽ giúp cho tâm từ chỗ đang lan man suy nghĩ được định lại trong một niệm “Buddho” đồng thời khiến thân và tâm hòa nhập làm một trong cảm nhận hiện tại, ở đây.

Sau khi làm vậy một vài lần thì không cần thở sâu nữa. Chỉ thở bình thường và đơn thuần nhận biết hơi thở đi ra đi vào ở đầu mũi. Khi hít vào, niệm thầm “Bud”; khi thở ra, niệm “Dho”. Cứ “Buddho, buddho, buddho…” đơn giản như vậy. Thản nhiên quan sát hơi thở ra vào, không kiểm soát. 

Cứ như vậy, hơi thở sẽ lắng dần, và càng lúc càng nhẹ. Có lúc sẽ cảm giác như hơi thở biến mất, không còn cảm nhận được hơi thở ra vào ở mũi. Cảm giác như mình đã ngừng thở. Lúc đó, đừng sợ hãi, đừng khởi ý đi tìm hơi thở mà hãy quan sát chính cái tâm nhận biết. Trực nhận cái gọi là “cái biết”. Cái mà cứ liên tục nắm bắt và gọi tên, định nghĩa mọi xuất hiện đến với nó. Trực nhận cái gọi là “tôi”.

Khi ta thản nhiên quan sát hơi thở mà không kiểm soát, ta sẽ thấy hơi thở tự ra vào theo cách của nó, không có ai kiểm soát. Nó chỉ như vậy. Khi ta không quan sát hơi thở nữa mà quan sát đến tâm, ta cũng sẽ thấy tâm chỉ tự vận hành theo cách của nó. Các ý nghĩ và cảm xúc tự khởi lên, tự diệt đi; tự xuất hiện rồi tự biến mất; không có ai ở đằng sau những tâm sinh diệt này. Cái tâm mà cứ lan man triền miên – mà ta gọi là “ý nghĩ của tôi” hay “tôi nghĩ” – tự giải tán khi sự sinh diệt tự động của nó hiển lộ. Không cần phải cố diệt ý nghĩ hay kiểm soát, khống chế nó. Tự bản thân hơi thở, các suy nghĩ, cảm thọ đều là các yếu tố thuần khiết trong chính nó. Chúng không là một ai bên trong. Chúng chỉ như vậy. Cái “tôi” ảo tan biến. Khi cái tôi ảo tan biến, mọi khổ phát sinh từ cái tôi ảo chấm dứt.

***

Đối với người mới tìm hiểu Phật Pháp và muốn học thiền với tôi, tôi thường khuyên họ nên giữ năm giới. Có năm giới sẽ có hàng rào đảm bảo sự an lạc trong cuộc sống và dễ dàng cho việc thực hành thiền. Năm giới nghe rất đơn giản nhưng nếu mỗi người đều giữ năm giới này thì thế giới sẽ hòa bình hơn rất nhiều. 

Năm giới là gì? 

Một là không sát sinh. Không giết hại các sinh linh.

Hai là không trộm cắp, không lấy cái gì của người khác mà không được phép. Cũng không được lừa đảo, gian lận. Tham ô, hối lộ cũng không được. 

Ba là không tà dâm, ngoại tình; không được có các hành vi tình dục sai trái.

Bốn là không nói dối hoặc nói những lời làm tổn thương người khác. Không cạnh khóe, đưa chuyện, chửi rủa thô tháo, hoặc vu khống. Không nói chuyện tầm phào không ích lợi. Phải chấm dứt tất cả những điều này. 

Và năm là không uống rượu hay các chất kích thích. 

Sau đó thì có thể học thiền một cách đơn giản. Có thể dùng “Buddho”. Không có gì đơn giản hơn thế. Chỉ cần thản nhiên quan sát hơi thở với “Buddho” là hoàn toàn đủ để nhận ra sự thật rốt ráo của toàn thể vũ trụ và được giải thoát. Người trẻ có thể dùng Buddho. Người già sắp lâm chung và thấy sợ hãi cũng có thể dùng “Buddho”. Không cần phải ngồi kiết già hay tạo bất cứ tư thế thiền phức tạp nào. Không cần áp lực bản thân. Chỉ thở như ta luôn thở bình thường; nhận biết hơi thở ra vào tự động. Thấy bản chất của hơi thở. Thấy bản chất sự nhận biết. Như thế là đủ để giác ngộ.

Thời kỳ đầu, tôi dùng niệm pháp “Buddho” để đạt định. Nhưng chỉ có định thì không đủ. Sau khi xuất định, cần phải quán. Quán sẽ giúp ta thấu rõ bản chất vô thường, vô ngã của cả thân, tâm, và mọi hiện tượng trong đời sống hàng ngày. Thân thể này vô thường. Tâm này cũng vô thường. Mọi tướng, mọi trạng thái, mọi tình trạng tâm, bất kỳ cảm xúc hay suy nghĩ nào cũng vô thường cả. Tức là tự đến rồi tự biến đổi, tự biến mất. Khi thấy rõ như thế thì sẽ tự không dính mắc, níu kéo bất cứ điều gì, dù là thân, tâm, hay mọi thứ trong cuộc sống. Ngay kể cả khi ta ngồi thiền, nhập vào trạng thái định sâu và thấy rất hỉ lạc thì nó cũng không kéo dài mãi. Nó cũng vô thường. Nó sẽ phải thay đổi. 

Năm nào, tôi cũng nhập định 3 ngày 3 đêm liền. Tôi ở trong định bất động suốt 3 ngày 3 đêm đó và có thể nhập định nhiều ngày hơn thế, nhưng rồi thì tôi cũng vẫn phải xuất định. 

Định cũng vô thường. Các tầng định đều vô thường. Không thể dính mắc, thích thú, thụ hưởng định.

Trạng thái nào của tâm cũng vô thường cả. Trạng thái nào của tâm cũng đều không thể dính mắc vào. Kể cả hạnh phúc, vui, khinh an, rộng mở, trống không… Chúng chỉ là các trạng thái tạm. 

Ngay cả thần thông cũng vô thường và không thể dính mắc. 

Trí tuệ cũng chỉ tạm xuất hiện từng khoảnh khắc để dùng và không thể dính mắc. 

Những cái thấy, cái biết đều tạm, không thể dính mắc. 

Không thể trụ, không thể dính vào bất cứ thứ gì, kể cả vào sự hiểu pháp, thấy pháp, ngộ pháp. 

Nếu vẫn còn dính mắc vào sự hiểu pháp thì vẫn còn khổ. 

Dính mắc, nắm bắt bất cứ điều gì thì cũng còn nhân khổ. 

Hãy tự do với tất cả.

Khi tự do, không dính mắc vào bất kỳ cái gì thì cái hiển lộ ra là Tánh Không. Nó cũng được gọi là Niết Bàn. Tánh Không thì không có khổ, không có vô thường, không có vô ngã. Đầu tiên, người ta giải thoát khỏi ngã và họ thấy vô ngã; nhưng rồi sẽ phải ra khỏi cả vô ngã. Tự do với tất cả. 

Tánh Không là cốt tủy lời dạy của chư Phật. Tất cả các bậc giác ngộ, các bậc thầy chân chính đều dạy Tánh Không. 

Sự thật thì giống nhau. Dù người Thái, người Việt Nam, người Trung Quốc, người Tây Tạng có thể có các pháp hành khác nhau, nhưng đều sẽ phải đi đến Tánh Không. Họ có thể niệm danh hiệu Phật A Di Đà, trì thần chú, lễ lạy, hay thiền, thì đều phải đi đến tánh không.

Ăn chay

PV: Tại sao sư phụ ăn chay? Các chùa Thái đâu có ăn chay ạ?

LPY: Vì ta đã thấy trước. Nếu ta ăn thịt, người ta sẽ tìm những thứ thịt tươi ngon để cúng dường. Nhiều chúng sinh sẽ phải chết vì điều đó. 

PV: Sư phụ có bao giờ thèm thịt không?

LPY: Không.

PV: Sư phụ có bao giờ thấy đói không?

LPY: Không.

Cõi Tịnh Độ

LPY: Con có biết cõi Tịnh Độ là gì không? 

Là tâm Không. 

Mười phương chư Phật đều là tâm Không. 

Một ngàn chư Phật đều chỉ là một trái tim thanh tịnh.

Quotes

Trong đời: đơn giản

Trong đời: đơn giản
Đói, ta ăn
Buồn ngủ, ta ngủ
Mệt, ta nghỉ
Nóng, ta đến bóng râm ngồi
Vậy sao phải khổ đau?

Rau đã sẵn, để ăn
Mặt đất đã sẵn, để bước
Mặt trời đã sẵn, toả sáng
Sao ta còn lo toan?

Quotes

Việc mỗi ngày

Thiền vào buổi sớm.
Rồi đổi tư thế,
          chuyển động thân thể.
Ăn đúng giờ,
          và ăn vừa chừng.
Đừng để tham ăn lôi kéo.
Khi ở một mình,
          thấy như ở cùng người khác.
Khi ở cùng người khác,
          thấy như ở một mình.
Nói năng cẩn trọng;
        đã nói là làm.
Cư xử đàng hoàng trong từng cơ hội.
Suy nghĩ kỹ trước khi làm mỗi việc.
Nhưng đã làm, không ngoái lại đắm chìm,
        mãi thất vọng về quá khứ.
Tỉnh giác trong hiện tại, tiếp tục tiến bước.
Can đảm như một anh hùng.
Với tương lai, đừng nói nhiều.
Hãy yêu thương bằng tấm lòng thơ trẻ.
Khi đi ngủ,
        xem như thể đây là lần cuối ngủ.
Khi tỉnh dậy,
        lập tức ra khỏi giường.
Như rục bỏ đôi giày cũ.

Quotes

Nguyên lý của thiền

Trước hết hãy giữ gìn giới luật
Nguyện sống đời sống thiện.
Sau đó, con hãy kiểm soát tứ vật dụng tối giản của mình.
Học cách cân bằng bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi.
Tường minh từng hành vi, cử chỉ.
Quán xét, nhận biết, và thực hành bền bỉ
Giữ sự tỉnh giác luôn luôn
Nhưng đừng quá gồng mình
Quan sát bản thân trong lặng lẽ.
Giữ nội tâm vắng vẻ.
Nhưng bén nhạy, tinh tường.
Chẳng bao lâu, con sẽ thấy rõ ràng
Sự thật về tất cả:
Bản chất của vạn hữu là vô thường, luôn luôn thay đổi
Một dòng không ngừng của sinh diệt, diệt sinh.
Một dòng sống hóa hiện thành muôn cảnh, vạn tên.
Mà chẳng hề có một ai trong đó.

Quotes

Quán, chiếu

Quán, chiếu.
Khi sự nhất tâm khởi
Dừng mọi suy tưởng
Chỉ trực nhận trong lặng lẽ.
Xuyên sâu tới cái biết tự nhiên.
Tiếp tục như vậy, nhẹ nhàng, sâu thêm.
Cùng với tinh tường, tỉnh giác.
Giữ cân bằng cảm xúc
Thư thái.
Cái biết bản nhiên sẽ tự vụt sáng.
Tự liễu tri.
Tự triệt ngộ.

Quotes

Buddho

Buddho… cái tâm biết
Buddho…. cái biết tâm
Lặng và nhẹ
Thấu và vững
Sáng và vui
Nhìn mọi sự là hiện tượng tự nhiên
À, chúng là thế đó.
Hào phóng cho đi.
Trong thấu tỏ và từ bi.
Hiến dâng vì an lành của người khác.

Quotes

Cái biết

Khi một đối tượng nhận biết xuất hiện
Chúng đưa đến cảm xúc hoặc nhận biết trong tâm
Nhưng nếu tâm định tĩnh, bình yên
Tâm sẽ tự do trước mọi đối tượng nhận biết
Mọi nhận biết xảy ra và rồi tự biến mất
Dù đối tượng nào hiện ra cho tâm tiếp nhận
Cũng không thể khống chế và gây khổ nơi tâm.

Quotes

Thế sự

Con người thường dính mắc vào thế sự
Khi được tiền tài, danh vọng, ta vui.
Khi chúng mất đi, ta đau khổ, ngậm ngùi.
Ta lên xuống, xuống lên cùng xúc cảm.

Khi được ai đó khen, ta sung sướng.
Khi bị chê, ta tức giận, muộn phiền.
Như thể ta là nước thủy triều.
Lên xuống, xuống lên theo ngoại lực
Như thể ta là mặt trăng khi trong khi đục
Ta tự biến mình thành nô lệ của thế gian.
Dạt trôi theo lời người đưa đẩy.

Khi họ khen ta hay, ta vơ lấy.
Khi họ chê ta kém, ta nổi điên.
Theo khen chê, ta không hết khổ phiền.
Không thể vượt lên muôn ngàn thế sự
Bởi ta không trui rèn tỉnh thức cho đầy đủ.

Này con,
Mọi sự trên đời chỉ tạm thời tồn tại.
Đừng đắm chìm, đừng ôm giữ điều gì.
Con khổ đau bởi con cứ khư khư.
Cứ khăng khăng này kia con sở hữu.
Con khổ đau bởi con tự lừa dối.

© Copyright 2021 by Phan Viet Author.
All rights reserved.